(VNF) – Tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm cao gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, vượt mức tăng cả năm ngoái. Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở khi dòng tín dụng được khai thông.
Tin dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đạt 980.000 tỷ, tăng gần 19% so với đầu năm, vượt tốc độ tăng cả năm ngoái (10,7%, tương đương 100.000 tỷ đồng). Như vậy, trong 7 tháng, có hơn 150.000 tỷ đồng vốn ngân hàng chảy thêm vào phân khúc kinh doanh bất động sản, chiếm gần 30% lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.
NHNN nhận định đây là mức tăng trưởng cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%). Tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.
Tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản gồm hai cấu phần: cho vay tiêu dùng bất động sản và cho vay kinh doanh bất động sản (tập trung vào cho vay chủ đầu tư dự án, hướng tới nguồn cung ra thị trường).
Trong khi cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh thì dư nợ người dân vay mua bất động sản trong 7 tháng đầu năm lại giảm 1,36%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường cho chủ đầu tư, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản đang sụt giảm.
NHNN cho rằng số liệu trên phản ánh nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường trong khi cầu tín dụng để mua bất động sản tiêu dùng, tự sử dụng sụt giảm. Diễn biến này cho thấy những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư.
Diễn biến trên cũng cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Ngân hàng tăng cho vay chủ đầu tư bất động sản trong bối cảnh thị trường trái phiếu “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp khó khăn trước bối cảnh đầu ra kém và phải xoay xở trả nợ cho trái chủ.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, kênh trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm là một trong những lý do khiến nhu cầu vốn của giới địa ốc đổ dồn tìm tới ngân hàng giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản tính chung trong 7 tháng đầu năm vẫn khá thấp khi cầu tiêu dùng sụt giảm.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa được khách hàng ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân bởi cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân.
NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, trong khi tháng 7/2023 là 2,58%).
Để kiểm soát rủi ro trong tín dụng bất động sản, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động như: kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; bất động sản không có nhu cầu thực; kinh doanh bất động sản có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản…
Tháo gỡ nút thắt dòng vốn vào bất động sản
Sau thời gian dài trầm lắng do những vướng mắc về vốn và pháp lý, mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến rõ rệt khi Chính phủ liên tục có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Hàng loạt các giải pháp như hạ lãi suất, dừng hiệu lực Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, khoanh, giãn nợ…
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch bung hàng trở lại. Lãi suất tiền gửi hạ sâu khiến lãi suất cho vay bất động sản cũng giảm.
Hiện các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Nhóm nhà đầu tư đang có nhu cầu “săn” các căn nhà đất, chung cư mini có dấu hiệu tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong thời gian qua, hầu hết các giao dịch trên thị trường bất động sản chủ yếu là do đầu cơ, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, không liên quan chặt chẽ đến nhu cầu thực tế. Khi thanh khoản thị trường còn yếu, cung – cầu vốn chưa gặp nhau thì việc tạo sự đột phá trong tăng trưởng tín dụng rất khó.
Để thúc đẩy tín dụng cho vay bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản cần phải khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, nguồn lực, vấn đề vốn, đa dạng hóa sản phẩm, minh bạch trong việc quản lý; quản trị rủi ro tốt hơn… Đồng thời định vị lại các sản phẩm của mình phù hợp với phân khúc thị trường, hướng tới mục đích kinh doanh minh bạch hơn, dài hạn hơn.
Ngoài ra, cần triển khai tổng hòa các giải pháp từ Chính phủ đến các bộ, ngành và chính doanh nghiệp, khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản cũng sẽ tăng. Từ đó, sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này.
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông.
Giám đốc cấp cao một công ty nghiên cứu thị trường nhận xét, trong giai đoạn cuối năm, thị trường sẽ ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực hơn bởi các chính sách trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường được phát huy. Cùng với đó, ngân hàng hạ nhiệt lãi suất là cơ hội để người dân có thể tiếp cận được vốn vay và thực hiện giấc mơ sở hữu nhà ở.